Khi phải lặp đi lặp lại một việc, một hành động... trong một thời gian dài, chúng ta dễ có cảm giác buồn chán. Từ cảm giác buồn chán sẽ dễ chuyển sang ý định không thực hiện việc này nữa hoặc trì hoãn không muốn làm nữa. Có thể nói sự lười biếng đã bắt đầu trỗi dậy.
Chúng ta đứng trước lựa chọn sau:
1. Là phải tiếp tục lặp đi lặp lại sự buồn chán vô tận này để kết thúc công việc.
2. Bỏ luôn đó, không làm nữa. Có thể là bỏ luôn không làm nữa hoặc chuyển sang làm việc khác cho đỡ buồn chán, sau đó chuyển sang làm tiếp việc này.
3. Tìm cách để có thể làm được việc này với ít công sức hơn. Có thể bằng một phương pháp khác hoặc bằng một trình tự khác để rút thời gian thực hiện việc lặp đi lặp lại này.
Người được đánh giá siêng năng là người sẽ lựa chọn giải pháp (1), họ sẽ cần mẫn tiếp tục thực hiện công việc dù phải tốn nhiều thời gian và công sức cho việc phải làm. Sự siêng năng này sẽ được đánh giá là tốt, và người được gắn mác siêng năng sẽ được sử dụng như một tấm gương sáng cho những người khác noi theo. Nhưng thật sự đứng dưới một góc độ khác, có nhiều người sẽ nhận định đây là những người bị lợi dụng. Họ bị lợi dụng để phải làm nhiều việc hơn, nhiều thời gian hơn. Và người được vinh danh lại là người chịu nhiều thiệt hại hơn về những mặt khác. Thật là tội mà!
Đối với những người tìm một giải pháp cân bằng hơn, họ sẽ chọn giải pháp (2) đó là vẫn sẽ làm hết việc, nhưng sẽ xen kẽ vào bằng những việc khác, những hoạt động khác. Họ sẽ có một mốc thời gian kết thúc xa hơn những người "siêng năng" chọn giải pháp (1). Nếu xét về kết quả thì là như nhau, nhưng có thể họ sẽ đánh giá thấp hơn. Vì họ "nhây" hơn trong công việc.
Một số ít người khác sẽ tìm cách khác để thực hiện công việc này, họ sẽ không lựa chọn như 2 nhóm trên. Tiêu chí họ đặt ra sẽ có thể là:
- Tốn ít công sức hơn để làm.
- Tốn ít chi phí hơn để làm.
Để thực hiện được, thì họ sẽ chuyển từ lười lao động chuyển sang siêng suy nghĩ. Và bắt buộc phải suy nghĩ hết cỡ, để tìm ra con đường riêng cho họ.
Có nhiều con đường lắm đó:
1. Thay đổi phương pháp, công cụ thực hiện.
2. Thay đổi đối tượng thực hiện (đối tượng tác động hoặc đối tượng chịu tác động)
Như thay vì cưa cây bằng cưa tay thì họ sẽ chuyển sang đầu tư hẳn một cái cưa máy. Cưa máy thì tốn tiền đó, nhưng sức lực bỏ ra sẽ ít hơn, thời gian thực hiện cũng sẽ nhanh hơn so với cưa tay.
Hoặc thay vì đi bộ thì họ sẽ đi xe. Như một câu từng nghe là "Con đường thành công thì không có dấu chân của kẻ lười biếng. Vì mấy thằng lười sẽ đi xe, chứ không chịu cuốc bộ đâu!"
Còn có thể thuê người để làm thay mình, tiền công bỏ ra 10 đồng để thuê, trong khi tiền được trả là 20 đồng. Thì tội gì phải nai lưng ra để làm.
Nhưng nói gì thì nói, những kẻ lười biếng lao động trong trường hợp này họ cũng phải lao động cật lực hơn trong suy nghĩ. Không suy nghĩ thì chỉ có dùng sức trâu bò ra để làm mà thôi. Những người chọn giải pháp (3) ngoài phải vắt óc ra suy nghĩ thì họ có thể phải chịu nhiều rủi ro hơn cho giải pháp mà họ chọn. Con đường mà họ đi sẽ ít an toàn hơn những người chọn giải pháp (1), (2) nhưng nó sẽ thú vị hơn ở một góc độ nào đó, và có thể thành quả họ đạt được sẽ vượt xa nhóm (1), (2).
Phải sáng tạo để tìm ra được con đường cho riêng mình, con đường không có dấu chân của kẻ lười biếng!